Phía Tây là khu vực phát triển năng động nhất Hà Nội, bởi 3 trong số 5 đô thị vệ tinh nằm trong đồ án quy hoạch vùng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, được quyết định xây dựng tại khu vực này, gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây và Xuân Mai. Với tầm quan trọng đó, giải pháp xây dựng hạ tầng kết nối với khu vực này là vấn đề đặc biệt quan trọng quyết định đến sự thành công của đồ án trên.
Nhiều dự án được triển khai
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, hệ thống hạ tầng, giao thông kết nối trung tâm với khu vực phía Tây của Hà Nội đã được đầu tư mạnh mẽ. Nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang được hình thành, như: Đại lộ Thăng Long, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, trục đường hướng tâm Tố Hữu – Lê Văn Lương... Bên cạnh đó, các trục giao thông chính được mở rộng, nâng cấp như tuyến đường nối Nguyễn Xiển - Đại lộ Chu Văn An - Xa La; tuyến đường Vành đai 2,5 chạy qua các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ. Đặc biệt, tuyến đường Lê Trọng Tấn kéo dài đến đường Vành đai 3 và Đại lộ Chu Văn An đã góp phần hình thành một trục đường mới từ Xa La đến trung tâm, giúp cho việc đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn.
Những dự án hạ tầng được đầu tư với hàng tỷ đô la Mỹ đã tạo ra một cú hích lớn cho kế hoạch xây dựng khu đô thị vệ tinh phía Tây. Bất động sản là lĩnh vực ghi nhận sự cộng hưởng lớn nhất từ cú hích này. Mặc dù có những giai đoạn bấp bênh theo thị trường nhưng bất động sản tại khu vực này chỉ có thể lên chứ không thể xuống được. Nguyên do là khu vực đã và đang được đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, địa hình bằng phẳng do lịch sử hình thành, khiến nơi đây sẽ luôn giữ được vị thế dẫn đầu và nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ DN cũng như người dân.
Hành lang nhân lực chất lượng cao
Trong một chiến lược dài hạn, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành một TP đa cực, một đô thị cạnh tranh sòng phẳng với các đô thị khác tại khu vực và trên thế giới. Đây chính là lý do Chính phủ đã quyết định mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô vào năm 2008.
Hai quyết định của Chính phủ liên quan đến việc phát triển đô thị phía Tây Hà Nội đặc biệt gây chú ý đối với những ai quan tâm đến việc phát triển Hà Nội thành một đô thị - Thủ đô có sức cạnh tranh cao. Đó là khởi động lại Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, tổng diện tích quy hoạch gần 1.000ha và tăng tốc độ, quy mô phát triển của một trong những thành tố chính của nền kinh tế tri thức của Hà Nội là Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Đây cũng là một cặp đôi địa chỉ hoàn hảo, chứa đựng hầu như đầy đủ các yếu tố vật thể và phi vật thể cần thiết cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các quyết định này sẽ phối hợp hình thành một cách sắc nét tuyến phát triển đô thị dọc theo Đại lộ Thăng Long, nối liền trung tâm Hà Nội với cụm đô thị phía Tây bao gồm Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đô thị vệ tinh Hòa Lạc... biến tuyến này thành một trục đô thị kết nối các khu vực có nhân lực trình độ cao đáng kể nhất trong Vùng Thủ đô.
Với tiềm năng to lớn của Việt Nam trong việc tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các khu vực phát triển đô thị dọc theo Đại lộ Thăng Long, như một hành lang nhân lực chất lượng cao nối liền trung tâm Hà Nội với Đại học Quốc gia Hà Nội và Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ có mức tiếp cận tốt nhất với Sân bay Nội Bài từ khu vực Hòa Lạc với thời gian ước tính dưới 20 phút.
Đây là lợi thế đáng kể và đồng thời là một sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các tài năng Viêt Nam cũng như nước ngoài. Bởi giao tiếp học thuật và công nghệ trên phạm vi toàn cầu, một điều kiện tiên quyết của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ không thể thực hiện được khi thiếu các cơ sở giao thông tiện lợi bằng đường hàng không
(Theo kinh tế đô thị)